a/ Thương mại toàn cầu sụt giảm
Đây là ảnh hưởng dễ nhận thấy nhất. Nếu cả sản lượng và nhu cầu của nền kinh tế Mỹ cũng giảm, tiêu dùng tư nhân, đầu tư của các công ty và các hoạt động sản xuất cùng sụt giảm, dẫn tới sự sụt giảm trong nhập khẩu các loại hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa cơ bản và các nguyên vật liệu khác từ thị trường bên ngoài.
Trong khi đó, rất nhiều nước trên thế giới coi Mỹ là thị trường xuất khẩu chính, như Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á, và coi đây là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế. Do đó, nhu cầu sụt giảm ở Mỹ đồng nghĩa với sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của những nước này. Trung Quốc đặc biệt đáng lo ngại vì Mỹ là nước tiêu dùng lớn nhất thế giới còn Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Nếu người Mỹ không mua, hàng “Made in China” sẽ đi về đâu?
Trung Quốc cũng là một ví dụ rõ ràng về việc những mắt xích trong chuỗi thương mại quốc tế sẽ chịu tác động ra sao từ sự suy thoái của Mỹ. Trước đây, các trung tâm chế tạo của châu Á như Hàn Quốc và Đài Loan trực tiếp sản xuất hàng thành phẩm như hàng điện tử để xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ. Nhưng với sự nổi lên của Trung Quốc trong lĩnh vực này, các nước châu Á đã chuyển sang sản xuất linh kiện để xuất sang Trung Quốc.
Sau đó, Trung Quốc tiến hành lắp ráp rồi xuất sang Mỹ. Do đó, nhập khẩu của Mỹ đi xuống làm xuất khẩu của Trung Quốc giảm, dẫn tới nhu cầu của Trung Quốc đối với linh kiện do các nước châu Á khác sản xuất cũng “lao” theo.

b/ Đồng USD yếu khiến mọi chuyện thêm tồi tệ
Sự suy yếu của kinh tế Mỹ và việc FED liên tiếp cắt giảm lãi suất USD đã khiến giá trị đồng tiền này giảm mạnh so với nhiều đồng tiền khác như Euro, Yên và Won. Đồng USD yếu sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ, nhưng lại là cơn ác mộng đối với các nhà xuất khẩu Đức, Nhật và Hàn Quốc – những nước vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
c/ “Bong bóng” bất động sản sẽ nổ tung toàn cầu
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới có tình trạng bong bóng xảy ra trên thị trường bất động sản trong những năm gần đây. Hoạt động tín dụng lỏng lẻo, mức lãi suất thấp và dài hạn cũng diễn ra ở nhiều quốc gia khác, nhất là ở châu Âu. Mỹ không phải là nước duy nhất mà “bong bóng” bất động sản đã vỡ.
Anh, Ireland và Tây Ban Nha đi sau Mỹ có chút ít về tốc độ mất giá của nhà đất. Các nước khác với tiềm năng bong bóng bất động sản sắp vỡ bao gồm Pháp, Hy Lạp, Hungary, Italy, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Baltic. Tại châu Á, những nước như Australia, Trung Quốc, New Zealand và Singapore, “bong bóng” nhà đất đã vỡ tại một số khu vực. Đến cả Ấn Độ cũng xảy ra tình trạng bong bóng địa ốc.
Những “bong bóng” này chắc chắn sẽ vỡ một khi tình trạng tín chặt tín dụng “châm kim” vào chúng, dẫn tới tốc độ tăng trưởng chậm chạp tại một số nước và suy thoái tại một số nước khác.
d/ Giá hàng hóa và nguyên vật liệu thô sẽ giảm
Chỉ cần nhìn vào giá dầu cao là có thể nhận thấy nhu cầu hàng hóa của thế giới đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ kéo dài không lâu. Đó là do hai đầu máy của kinh tế thế giới là Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ kéo theo sự sụt giảm mạnh nhu cầu của các loại hàng hóa như dầu, thực phẩm và khoáng sản.
Điều này tất yếu sẽ tác động tiêu cực tới xuất khẩu và tăng trưởng của các nước xuất khẩu các mặt hàng này ở châu Phi, Mỹ Latin và châu Phi. Chẳng hạn, Chile là nước xuất khẩu đồng lớn nhất thế giới, đồng từ nước này được sử dụng để làm chip máy tính và dây điện. Nhu cầu của Mỹ và Trung Quốc giảm chắc chắn sẽ khiến giá cả và nhu cầu đồng cùng giảm xuống, kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Chile.
e/ Niềm tin sẽ giảm mạnh
Cuộc khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn đã gây ra tình trạng thắt chặt thanh khoản và tín dụng trên Wall Street. Tình trạng này cũng đã lan rộng ra thị trường tài chính nhiều nước trên thế giới. Một lượng trái phiếu bất động sản chứa đựng đầy rủi ro và nợ thế chấp của Mỹ đã được bán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là lý do tại sao những thất thoát tài chính do tình trạng vỡ nợ tại các thành phố Mỹ như Cleveland, Las Vegas và Pheonix lại có tác động mạnh đến Australia và châu Âu, hay thậm chí cả những ngôi làng nhỏ ở Nauy.
Niềm tin tiêu dùng bên ngoài nước Mỹ, đặc biệt là tại châu Âu và Nhật Bản, không bao giờ vững mạnh và sẽ trở nên yếu hơn trước những tin xấu về kinh tế Mỹ. Những khoản thua lỗ trong hoạt động tại Mỹ cũng sẽ khiến các tập đoàn đa quốc gia đi đến chỗ cắt giảm đầu tư vào các nhà máy không chỉ ở Mỹ mà còn nhiều nơi khác trên thế giới. Các tập đoàn tại châu Âu sẽ chịu tác động đặc biệt lớn do họ phụ thuộc vào các khoản vay ngân hàng nhiều hơn các doanh nghiệp Mỹ. Sự thắt chặt tín dụng toàn cầu sẽ hạn chế khả năng của họ trong việc sản xuất, thuê nhân công và đầu tư.
Cách tốt nhất để xem cơn bão tài chính này lan rộng ra sao là theo dõi thị trường chứng khoán toàn cầu. Các nhà đầu tư e dè hơn trước những rủi ro khi nền kinh tế của họ có vẻ như tăng chậm lại. Do đó, bất kỳ khi nào những thông tin xấu về kinh tế Mỹ xuất hiện, các nền kinh tế khác cũng ngay lập tức lo theo.
Một kịch bản thường gặp là các nhà đầu tư Wall Street bán tháo cổ phiếu, khiến chỉ số Dow Jones sụt giảm và một vài giờ sau, các chỉ số chính của thị trường chứng khoán châu Á cũng mở cửa với đường đi dốc xuống. Rồi sau đó, tình hình các thị trường chứng khoán châu Âu cũng diẽn biến tương tự. Điều này có thể nhận thấy rõ trong đợt suy giảm mạnh toàn cầu của thị trường chứng khoán tháng 1 vừa qua.
f/ Các ngân hàng trung ương “bó tay”
Những người lạc quan tin tưởng rằng các ngân hàng trung ương có thể cứu thế giới khỏi những tác động tiêu cực của tình trạng suy thoái kinh tế ở Mỹ. Như ở kỳ suy thoái năm 2001, FED đã cắt giảm lãi suất từ 6,5% xuống còn 1%, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giảm lãi suất từ 4% xuống 2%, còn Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) giảm lãi suất xuống 0.
Nhưng ngày nay, khả năng của các ngân hàng trung ương trong việc sử dụng các công cụ tiền tệ để kích thích tăng trưởng và hạn chế tác động của tình trạng kinh tế tăng chậm lại toàn cầu đã bị hạn chế hơn trước rất nhiều. Lạm phát tăng cao tại nhiều nước đang “bó tay” các ngân hàng trung ương.
FED sẽ còn cắt giảm lãi suất, nhưng chắc chắn sẽ lo ngại về tình trạng mất giá liên tiếp của USD sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại không muốn bỏ tiền mua các loại trái phiếu của Mỹ. Và trong nền kinh tế toàn cầu nói chung, đồng USD yếu cũng là một trò chơi có tổng bằng 0, đồng USD yếu sẽ có lợi xuất khẩu của nước Mỹ, nhưng lại làm tổn thương khả năng cạnh tranh và tăng trưởng của các đối tác thương mại của Mỹ.
Chính sách tiền tệ cũng kém tác dụng hơn vào thời điểm này vì một lý do khác. Nguồn cung nhà cửa, xe cộ và các hàng hóa tiêu dùng khác trên thế giới nói chung đang rất dư dả. Nhu cầu đối với những hàng hóa này đã bớt nhạy cảm hơn trước những biến động lãi suất vì phải mất rất nhiều năm người tiêu dùng mới có thể “hút” hết lượng hàng hóa thừa mứa này. Việc cắt giảm thuế cho dân Mỹ cũng chẳng thể thay đổi tình huống, nhất là khi dân Mỹ đang nợ “như chúa chổm”.
Tham khảo các dịch vụ khác của Luận Văn Việt
+ Làm luận văn tốt nghiệp đại học
+ Nhận làm báo cáo thuê