Tính đến đầu tháng 6, 82.500 ha/142.300 ha kế hoạch gieo trồng lúa hè thu 2018 của Sóc Trăng đã xuống giống, đã có gần 5.300 ha bị nhiễm dịch hại, trong đó nhiều nhất là bệnh đạo ôn lá, ốc bươu vàng, rầy nâu … xuất hiện nhiều ở huyện Thạnh Trị, Mỹ Tú và thị xã Ngã Năm.



Là một trong những địa phương có các trà lúa bị dịch hại nhiều, huyện Mỹ Tú đã khuyến cáo nông dân nên thường xuyên thăm đồng. Trong 17.100 ha đã xuống giống, hơn 50% ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh, mưa nắng xen kẽ kết hợp với các giai đoạn nông dân bón phân thúc, làm sâu bệnh dễ phát sinh. Trạm Trồng trọt và BVTV cử cán bộ bám sát địa bàn, ghi nhận hiện trạng các trà lúa để kịp thời khuyến cáo nông dân các biện pháp can thiệp. Còn lại hơn 5.000 ha chưa xuống giống, ngành chức năng vận động bà con tranh thủ sạ dứt điểm trong tháng 6 này, nhưng cũng cần theo dõi lịch rầy nâu di trú. Kỹ sư Nguyễn Văn Đầy, Trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Mỹ Tú, cho biết: “Vụ lúa hè thu năm nay, nông dân cần chú ý một số dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất lúa như cỏ dại, ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn. Trong phòng trừ bệnh đạo ôn, bà con nên thay đổi thuốc sử dụng, tránh tình trạng vụ trước sử dụng rồi vụ sau tiếp tục sử dụng lại loại thuốc đó gây ra lờn thuốc, hiệu quả phòng trừ không cao, tốn nhiều chi phí”.

Ngoài ra, trên trà lúa hè thu còn có sâu cuốn lá, sâu đục thân, bù lạch, chuột, đốm vằn, vàng lá chín sớm, ngộ độc phèn, đốm sọc vi khuẩn…. Kỹ sư Trần Vĩnh Nghi, Phó Chi cục Trồng trọt và BVTV Sóc Trăng, cho biết: “Trong phòng trừ rầy nâu, nông cần lưu ý: Phun thuốc phải theo nguyên tắc 4 đúng, đảm bảo lượng nước và thuốc đủ trên 1 đơn vị diện tích. Nơi có điều kiện thì nên bơm nước lên cỡ chảng ba để rầy di trú lên trên thuốc sẽ dễ tiếp xúc. Còn với bệnh đạo ôn thì phải bón phân cân đối, hạn chế bón thừa phân đạm. Khi phát hiện vết bệnh chấm kim và có khuẩn kết hợp thì nên phun thuốc đặc trị; nếu ruộng lúa bị nặng có thể thay nước và rãi vôi, rồi phun thuốc đặc trị đạo ôn, có thể phun lại lần 2 cách lần 1 từ 5 đến 7 ngày. Để hạn chế lúa đổ ngã, bà con nên áp dụng biện pháp tưới ngập, khô xen kẻ hoặc rút nước vào giữa vụ để bộ rễ lúa ăn sâu trong đất, hạn chế đổ ngã vào cuối vụ”. Tag: may thoi khi

Kiểm tra mật độ rầy nâu trên lúa hè thu sớm.

Số liệu ghi nhận được tuần qua, rầy nâu đang tăng rất nhanh diện tích xuất hiện tại các tỉnh Long An, An Giang, Đồng Tháp… Diện tích ruộng nhiễm bệnh vàng lùn vàng lùn xoắn lá toàn vùng ĐBSCL đến nay dù đã giảm hơn 50% so với cuối tháng 5, nhưng vẫn còn gây thiệt hại cho khoảng 2.700 ha. Dự báo sắp tới có khả năng tăng trở lại. Tại Sóc Trăng, rầy nâu xuất hiện trên đồng phổ biến là rầy trưởng thành, mang trứng và một số ít rầy mới nở. Dự báo trong tuần tới có khả năng rầy nâu nở rộ. Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy nâu trên đồng để có biện pháp quản lý kịp thời. Ngành chức năng khuyến cáo nông dân tranh thủ làm đất, xuống giống nhanh khi có nước để đảm bảo kế hoạch xuống giống chung của tỉnh và dứt điểm vào cuối tháng 6/2018. Ngoài ra, cũng cần lưu ý một số đối tượng khác như ốc bươu vàng, chuột, muỗi hành, bù lạch, cháy bìa lá...

Vì lo ngại đầu vụ mạ non bị ốc bươu vàng, chuột cắn phá, bị ngộ độc, bị ngập úng… nên nông dân trước nay thường sạ lượng giống nhiều lên, nhằm bù vào phần hao hụt này, để không phải giảm năng suất lúa về sau. Tuy nhiên theo các chuyên gia nông nghiệp, sạ lượng giống nhiều, mật độ dày không hẳn là lúa cho năng suất nhiều, nhưng trên cùng diện tích, chắc chắn chi phí sẽ cao hơn nhiều so với ruộng sạ thưa.

Một trong những yếu tố thúc đẩy nấm bệnh đạo ôn tấn công lá mật độ sạ quá dày. Khi sạ trên 200 kg/ha, mạ mọc dày đặc nên lá lúa giáp tán sớm, bệnh có cơ hội xuất hiện trước 15 ngày sau sạ, nếu sạ thưa khoảng 120 kg/ha hoặc ít hơn, có thể sẽ giảm được lần phun thuốc trị đạo ôn giai đoạn đầu vụ. Tag: nuôi tôm thẻ

Vụ hè thu khuyến cao nông dân nên sạ thưa thuận lợi cho quản lý dịch hại.

Lúa lên nhiều, cần lượng phân bón nhiều hơn, đặc biệt giai đoạn lúa cần nhiều đạm để phát triển thân và bộ lá, nên các công thức bón phân thúc lần 1 của nông dân thường tăng lượng đạm, cây lúa hấp thụ vượt trên mức cần thiết. Khi bón phân đạm quá cao, lá lúa xanh đậm, to bản và nằm ngang dễ hứng nhiều bào tử nấm bệnh hơn. Lá lúa mềm yếu nên gập xuống, che phủ các lá tầng dưới, khi phun thuốc không phun đến được các lá bên dưới, nông dân tốn thêm thuốc BVTV, thêm công nhưng không trị dứt bệnh cho ruộng lúa. Kỹ sư Nguyễn Văn Đầy khuyến cáo: “Đối với vụ lúa hè thu, việc phòng trừ sâu bệnh và giảm nước có nhiều khó khăn, nên việc giảm lượng lúa giống trên cùng diện tích cũng còn hạn chế. Hiện với số diện tích chưa xuống giống, ngành chức năng khuyến cáo bà con nên giảm lượng giống, sạ thưa để lúa dễ phát triển và dễ trong quản lý sâu bệnh”.

Không chỉ bệnh đạo ôn, ruộng lúa mọc dày dư đạm, rất dễ thu hút nhiều loại sâu rầy đến tìm nguồn thức ăn để sinh sản và nhân mật số. Ở những ruộng sạ dày thường cây lúa rất yếu, lại bón nhiều đạm nên cây dễ bị đổ ngã, chuột tập trung phá hại nhiều, cây lúa không đẻ thêm được chồi mới mà phần lớn là nhiều cây phải bị chết đi, tuy số bông có nhiều hơn nhưng số hạt chắc trên bông lại rất ít, tỷ lệ lép và lửng nhiều nên năng suất thấp. Tag: phòng bệnh trên tôm thẻ

Cán bộ kỹ thuật trạm khuyến nông khảo sát dịch bệnh trên lúa hè thu.

Như vậy, để có nền tảng quản lý hiệu quả sâu bệnh hại trên đồng, tăng năng suất chất lượng lúa, giảm giá thành sản xuất, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân cần nhất là chọn giống lúa chất lượng cao, giảm lượng giống, sạ thưa, thăm đồng thường xuyên, ưu tiên các biện pháp phòng trừ dịch hại bằng sinh học, và chỉ nghĩ đến biện pháp hóa học khi các biện pháp nêu trên không đem lại hiệu quả như mong muốn./.

Nguồn: 2lua.vn/article/quan-ly-dich-hai-tren-lua-he-thu-2018-5b594649425cc5e26a35ee25.html