Theo đánh giá của Ban Bí thư Trung Ương Đảng thì quy mô giáo dục có sự tăng trưởng mạnh; cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân từng bước được cải thiện; chất lượng giáo dục có một số chuyển biến tích cực; chủ trương xã hội hoá giáo dục bước đầu được triển khai có hiệu quả.
Tuy nhiên nhìn tổng thể về cả quy mô và chất lượng đào tạo, giáo dục nước ta chưa đáp ứng kịp những đòi hỏi lớn và ngày càng cao về nhân lực của các mục tiêu kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tiến tới xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Điều này được thể hiện trên các mặt:
1. Chất lượng và hiệu quả giáo dục – đào tạo
Chất lượng và hiệu quả giáo dục còn thấp so với yêu cầu phát triển đất nước, chưa tiếp cận được với trình độ và kết quả giáo dục ở các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Chất lượng thấp thể hiện ở chỗ: Kiến thức hội nhập của học sinh, sinh viên Việt Nam quá kém; Sau khi tốt nghiệp ra trường họ còn hạn chế về năng lực, tư duy sáng tạo, về kỹ năng thực hành, về khả năng thích ứng nghề nghiệp.
Bên cạnh đó kiến thức phổ thông đại trà rất thấp… Hiệu quả hoạt động giáo dục chưa cao. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cuối cấp so với nhập học đầu cấp còn thấp. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn hạn chế, nhiều học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm…

Những tồn tại, yếu kém chung của nền giáo dục
Tham khảo thêm:
+ Khái niệm giáo dục và giáo dục mần non là gì?
+ Những thành tựu của giáo dục – đào tạo ở nước ta trong thời gian qua
2. Về cơ cấu giáo dục – đào tạo
Cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vùng miền đã được khắc phục một bước song vẫn còn mất cân đối; Cơ cấu vùng miền còn nhiều sự bất hợp lý. Nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, tập trung quá nhiều vào các thành phố lớn, khu công nghiệp lớn, nhiều tỉnh không có một trường đại học nếu có chỉ là một vài trường cao đẳng sư phạm để đào tạo giáo viên phổ thông cho địa phương đó mà thôi; Hình thức đào tạo cũng tỏ ra nhiều bất cập. Giáo dục nước ta chưa chú trọng nhiều đến hình thức giáo dục không chính quy, giáo dục bên ngoài nhà trường, đặc biệt cho những người đang lao động.
3. Đội ngũ nhà giáo
Nhìn chung đội ngũ nhà giáo thiếu về số lượng và thấp về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu vừa phải tăng nhanh quy mô vừa phải đảm bảo và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục – đào tạo. Đặc biệt là đội ngũ giảng viên các trường đại học ít có điều kiện thường xuyên tiếp cận, cập nhật tri thức và những thành tựu khoa học công nghệ mới của thế giới. Tỷ lệ giáo viên quá thấp (1/50, thậm chí 1/150) đã gây ra tình trạng cường độ làm việc căng thẳng cho giáo viên.
Tốc độ tăng giáo viên ở các trường đại học không tương xứng với tốc độ tăng của sinh viên (năm học 1996 – 1997 có 731.505 sinh viên và 24.362 giáo viên, năm học 2000 – 2001 là 918.228 sinh viên và 32.205 giáo viên, đến năm 2003 – 2004 có 1.131.030 sinh viên và 39.985 giáo viên).
4. Ngân sách giáo dục và đào tạo
Ngân sách dành cho giáo dục của Việt Nam còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Mặc dù đã cố gắng nhiều, song ngân sách nhà nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu tối thiểu của giáo dục – đào tạo. Bên cạnh đó, việc phân bổ ngân sách giữa các bậc học, giữa các địa phương không hợp lý đã tạo nên sự mất cân đối trong phát triển giáo dục ở các bậc học và các vùng.
5. Cơ sở vật chất kỹ thuật
Cơ sở vật chất, kỹ thuật vẫn chưa thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Nhiều nơi, chưa thanh toán hết tình trạng lớp học ba ca. Tình trạng dạy chay còn phổ biến. Việc nối mạng Internet trong các trường học còn chưa đáng kể. Yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật vẫn đang là một thách thức lớn.
6. Chương trình, phương pháp giáo dục
Chương trình, giáo trình, phương pháp giáo dục chậm đổi mới, chậm hiện đại hoá. Chương trình giáo dục còn mang nặng tính hàn lâm, kinh viện, nặng về thi cử; chưa chú trọng đến tính sáng tạo, năng lực thực hành và hướng nghiệp; chưa gắn bó chặt chẽ với nhu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội cũng như nhu cầu của người học; chưa gắn bó hiệu quả với nghiên cứu khoa học – công nghệ và triển khai ứng dụng.
Xem chi tiết tại: https://thuelamluanvan.net/nhung-ton...-nen-giao-duc/