Tình huống
Chị A trên đường đi làm về thì rẽ vào rút tiền tại cây ATM của ngân hàng Agribank trên đường Thái Hà. Vừa rút xong đi ra thì có một nam thanh niên đứng ngoài đi đến hỏi chị A, điện thoại của anh bị sập nguồn không gọi được xin gọi nhờ. Chị A cũng không để ý liền đưa điện thoại của mình cho anh B mượn, sau khi gọi xong được trả lại chị A cất điện thoại và đi về phía đường Láng. Đi được một đoạn vào ngõ, chị A thấy mình choáng váng, hoa mắt, tay run run liền đỗ xe lại, biết mình bị trúng thuốc mê, chị đoán chắc thuốc mê đã được bôi vào chiếc điện thoại của mình lúc này. Bỗng nhiên một thanh niên đi xe đến gần và cướp cái túi chị để tiền vừa rút treo đầu xe. Chị A nhận ra thanh niên đó là người chị vừa gặp ở cây ATM. Chị muốn hô kêu cứu mọi người nhưng người không còn sức lực. Khoảng 30 phút sau, chị dần tỉnh táo lại và báo công an. Hành vi của anh B đã phạm tội gì? Bị xử phạt như thế nào?

Luật TGS trả lời

Anh B có hành vi giả vờ mượn điện thoại gọi điện sau đó cho thuốc mê dính vào chiếc điện thoại của chị A khiến chị A bị rơi vào tình trạng không tỉnh táo không thể tự chống cự được. Lợi dụng tình trạng đó anh B nhanh chóng cướp túi có đựng số tiền mà chị A vừa rút tại cây ATM. Hành vi đó của anh B đã phạm tội cướp tài sản theo quy định của pháp luật hình sự tại Điều 168 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
“Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
>>> Xem thêm:https://tgslaw.vn/thue-luat-su-bao-chua-toi-co-y-gay-thuong-tich.html
Các dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội cướp tài sản:
* Khách thể:
Hành vi của anh B đã xâm phạm đến quyền sở hữu (chiếm hữu, sử dụng, định đoạt) đối với số tiền mà chị A vừa rút ở cây ATM. Ngoài ra, anh A còn sử dụng thuốc mê làm cho chị A lâm vào trạng thái tinh thần không được tỉnh táo, hành vi này rất nguy hiểm đã xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của chị A. Như vậy, hành vi “cướp tài sản” của anh B đã xâm phạm đồng thời hai quan hệ được luật hình sự bảo vệ là quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu.
* Mặt khách quan :
Theo quy định tại khoản 1 Điều 168 BLHS 2015, anh B có hành vi dùng thuốc mê làm cho người bị tấn công (tức là chị A) lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản
- Hậu quả và mối quan hệ nhân quả:
Đối với tội cướp tài sản, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Hậu quả của tội phạm chỉ là dấu hiệu định khung hình phạt hoặc chỉ là tình tiết để xem xét khi quyết định hình phạt. Do khách thể của tội cướp là quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân nên hậu quả của tội cướp tài sản có thể là thiệt hại về tài sản nhưng cũng có thể là những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm.
* Chủ thể:
Là chủ thể thường chỉ đòi hỏi có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định.
* Mặt chủ quan của tội pham:
+ Lỗi của người phạm tội cướp tài sản là lỗi cố ý.
+ Mục đích của tội cướp tài sản là chiếm đoạt tài sản.
Trong trường hợp của bạn, anh B đã sử dụng thuốc mê làm cho chị A lâm vào tình trạng không thể chống cự được, hành vi đó đã bị coi là hành vi chiếm đoạt tài sản.
Như vậy, qua sự phân tích và căn cứ nêu trên, hành vi của anh B đã phạm tội cướp tài sản theo điều 168 BLHS.
Hình phạt: Theo quy định tại khoản 1 Điều 168 BLHS, theo đó, hành vi của anh B đã có hành vi làm chị A lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản nên anh B có thể bị Tòa tuyên phạt từ 3 năm đến 10 năm, còn tùy thuộc vào hành vi thành khẩn khai báo, nhân thân,... của anh B.
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ tổng đài 19008698 Hoặc truy cập website: tgslaw.vn