Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng thủy sản (NTTS) gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân đã bị cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh đã xử phạt khá nhiều. Thế nhưng, các cơ sở NTTS vẫn “mọc như nấm sau mưa”.


Mở rộng tràn lan

Theo số liệu thống kê, Hà Tĩnh hiện có khoảng 6.793 ha diện tích NTTS với tổng số 17.975 cơ sở. Trong đó, 17.523 cơ sở nuôi nước mặt, 427 cơ sở nuôi lồng bè và 22 cơ sở sản xuất giống. Trong đó đáng chú ý nhất là các cơ sở, doanh nghiệp nuôi tôm mọc lên tràn lan, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho môi trường tự nhiên cũng như môi trường sống.

Hiện nay, các hình thức nuôi như nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, quảng canh, quảng canh cải tiến kết hợp, nuôi tôm trên cát…đang được đẩy mạnh. Lợi nhuận “khủng” từ nuôi tôm đã thu hút nhiều doanh nghiệp nhảy vào đầu tư nuôi trồng. Chỉ tính riêng hình thức nuôi tôm trên cát đã có 91 tổ chức, cá nhân hoạt động (24 công ty, HTX, 2 trại thực nghiệm và 65 hộ gia đình). Vùng nuôi lớn nhất tập trung ở các huyện Cẩm Xuyên (133,26 ha) và Thạch Hà (133 ha).

Một chủ doanh nghiệp nuôi tôm kỳ cựu ở Hà Tĩnh chia sẻ: Những năm trước, khi môi trường còn trong lành, nguồn nước sạch chưa bị nhiễm khuẩn, rất thuận lợi cho việc nuôi tôm. Thế nhưng, những năm trở lại đây, từ thành công của một số mô hình điểm, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình lao vào nuôi tôm bất chấp tất cả. Cộng với cơ quan chức năng cấp phép hàng loạt, quy hoạch không chi tiết, cụ thể, quản lý không chặt đã dẫn đến nhiều chủ nuôi tôm “bể” nợ. Tag: tôm bệnh đốm trắng

Thực tế, việc phát triển nhiều mô hình, mở rộng diện tích nuôi nhưng xem nhẹ những tác động xấu đến môi trường, thiếu giải pháp bảo vệ đã tạo nên áp lực nặng nề đối với môi trường. Từ việc ô nhiễm môi trường đã quay trở lại làm hại chính người nuôi.

Qua rà soát của cơ quan chức năng, tình trạng lạm dụng các loại hóa chất cấm, độc hại; không chú trọng công tác bảo vệ môi trường, không xây dựng, vận hành, sử dụng các công trình xử lý chất thải và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường…ở các cơ sở NTTS trên địa bàn Hà Tĩnh đang diễn ra phức tạp. Phân tích của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh chỉ ra rằng, quá trình chăn nuôi nhiều cơ sở sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất kháng sinh để xử lý bệnh cho tôm, không chỉ gây tác động xấu đến môi trường sản xuất mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường.

Ngoài ra, vẫn còn tồn tại những cơ sở để xảy ra tình trạng bơm bùn thải trực tiếp ra các kênh nội đồng, thải nước trực tiếp ra các kênh thủy lợi hoặc xả trực tiếp ra biển khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh, vừa gây ô nhiễm trực tiếp cho nguồn nước ngầm, nước mặt và gián tiếp ảnh hưởng đến môi trường sống cho người dân.

Không những vậy, các nguồn thải từ cơ sở NTTS không đảm bảo ra sông rạch đã tác động làm cho môi trường nước bị biến đổi. Chất thải trong NTTS chủ yếu là bùn thải chứa phân của các loài thủy sản, nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các chất tồn dư của vật tư sử dụng như hóa chất, vôi, khoáng chất, lưu huỳnh lắng đọng…gây nguy cơ ô nhiễm hữu cơ cho nguồn nước xung quanh. Tag: tôm bệnh đốm đen

Theo Sở TN&MT Hà Tĩnh, hiện trạng xử lý chất thải tại các dự án nuôi tôm trên cát hiện nay, một số vùng đã có hệ thống thu gom nước thải tập trung bằng đường ống bê tông trước khi thoát ra biển như vùng nuôi tôm 53 ha tại xã Cẩm Hòa (huyện Cẩm Xuyên). Nhưng, có nhiều cơ sở chỉ bố trí 1 đến 2 ao lắng để lắng lọc nước thải trước khi thải ra môi trường. Có rất nhiều cơ sở không bố trí ao lắng hoặc ao lắng không đảm bảo khả năng chứa và lắng lọc nước thải.

Cần có biện pháp mạnh

Những năm qua, các cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh đã có những giải pháp tích cực để thực hiện công tác quản lý, kiểm tra đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở, hộ gia đình NTTS. Nhất là thời gian gần đây, có nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thậm chí yêu cầu tạm dừng hoạt động.

Cụ thể, tháng 8/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định xử phạt hành chính 435 triệu đồng đối với Công ty CP Xây dựng Tiến Đạt (số 133 đường Nguyễn Trung Thiên, TP Hà Tĩnh). Công ty TNHH Hồng Phúc (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bị xử phạt nhiều lần... Mặc dù vậy, ở một số địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn còn tình trạng buông lỏng trong công tác quản lý. Tag: tảo độc trong ao

Đề cập đến vấn đề môi trường trong hoạt động NTTS, ông Hồ Huy Thành - Giám đốc Sở TNMT Hà Tĩnh, chia sẻ: “Đây là một trong những vấn đề trọng tâm của ngành, được tập trung xử lý trong năm nay. Để làm được việc đó, chúng tôi sẽ có kế hoạch thanh tra toàn bộ các cơ sở có hoạt động nhằm đánh giá về việc chấp hành bảo vệ môi trường, bên cạnh phát hiện sẽ áp dụng những chế tài đủ mạnh để chấn chỉnh những đơn vị cố tình vi phạm, chậm khắc phục…”.

Nguồn: daidoanket.vn/chung-toi-len-tieng/nuoi-trong-thuy-san-o-at-de-doa-moi-truong-tintuc430807