Các nhà đầu tư cá nhân, các quỹ đầu tư nước ngoài và nhiều hãng bia đang cùng nhắm đến mục tiêu đẩy mạnh đầu tư cho các beer club, khiến cho sân chơi này trở nên vô cùng sôi động.

Việt Nam được coi là thị trường tiêu thụ bia hàng đầu và mang lại nhiều cơ hội kinh doanh mạnh mẽ nhất Đông Nam Á, đạt sản lượng 3,1 tỷ lít năm 2014, theo Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA). Các nhà kinh doanh sản phẩm này đang tìm mọi cách rũ bỏ danh xưng “hàng xa xỉ” để tiếp cận người tiêu dùng một cách tối ưu. Một trong những cách thức được lựa chọn chính là các “beer club” (tạm dịch: câu lạc bộ bia).

Vai trò kích hoạt của nhà đầu tư ngoại

Trong khi hai quán bar đình đám nhất TP.HCM là SIN Ultra Lounge và Fuse SG liên tiếp đóng cửa thì các beer club lại đang nở rộ đã cho thấy mô hình này đang làm chủ cuộc chơi trên thị trường bia tươi. Nếu như mô hình quán bar thường định vị với phân khúc khách hàng cao cấp thì beer club lại hướng đến đối tượng đông đảo hơn như giới văn phòng có thu nhập ổn định ở mức trung lưu. Không cần phải tốn kém như bar, nhưng đến beer club, khách hàng vẫn có thể tận hưởng không khí giải trí tương tự, thậm chí đa dạng hơn với thực đơn ăn uống phong phú. Sự pha trộn giữa bia tươi vỉa hè và các nhà hàng sang trọng là lý do khiến mô hình này đang dần lấn lướt mô hình bar club từng xưng bá một thời.


Tiếp thêm sức mạnh cho sự nở rộ của các beer club chính là vũ khí tài chính đến từ các quỹ ngoại, quỹ đầu tư mạo hiểm và cả nhà đầu tư cá nhân. Dễ nhận thấy là các công ty khởi nghiệp của Việt Nam luôn lựa chọn những ngành hàng thực phẩm ăn uống để dễ tìm kiếm nhà đầu tư. Ngược lại, đây cũng là ngành hàng để các quỹ tiến hành đầu tư nhanh, kiếm lời nhanh và rút vốn cũng nhanh. Cách đây khoảng 5 năm, hai tụ điểm beer club mang tên Vuvuzela đã ra mắt thị trường, có thể xem là sự khai sinh ra mô hình mới mẻ này ở Việt Nam. Đứng sau chuỗi này chính là Golden Gate Restaurant Group, đơn vị tiên phong áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng ở Việt Nam. Đến nay, Vuvuzela đã gia tăng số lượng nhà hàng lên con số 13, hiện diện ở nhiều thành phố lớn tại Việt Nam như Hà Nội, Vinh, Vũng Tàu, TP.HCM…

Tuy nhiên, sự thành công của Golden Gate không thể không kể đến chất xúc tác từ quỹ ngoại, đặc biệt là Mekong Capital. Khoản đầu tư do Mekong Capital rót vào Golden Gate hồi tháng 4/2008 đã “kích hoạt” sự phát triển ấn tượng, từ quy mô ban đầu chỉ có 8 nhà hàng lẩu nấm thành chuỗi nhà hàng với hơn 70 cơ sở khi quỹ thoái vốn vào tháng 8/2014, đặc biệt là số lượng beer club Vuvuzela. Khoản thoái vốn này đem lại tỷ lệ lãi bằng 9,1 lần giá trị đầu tư ban đầu và tỷ suất hoàn vốn nội bộ gộp là 45,1% cho Mekong Capital. Có lẽ vì tiềm năng khai thác lợi nhuận vẫn còn rất lớn nên sau khi quỹ này thoái vốn, Golden Gate lại nhanh chóng chào đón một quỹ mới thuộc Ngân hàng Standard Chartered, với khoản đầu tư 35 triệu USD. Và lãnh đạo Golden Gate vẫn tự tin đưa ra kế hoạch gia tăng số lượng các cửa hàng Vuvuzela. Tag: phong karaoke vip

Như vậy, beer club đang là chuỗi kinh doanh mang lại lợi nhuận lớn và nhanh chóng, mặc dù chu kỳ của xu hướng đầu tư này được nhiều chuyên gia đánh giá chỉ kéo dài trong khoảng 3 năm. Ông Nguyễn Cao Trí, Giám đốc chi nhánh TP.HCM của Golden Gate, cho biết: “Với sự hỗ trợ từ Standard Chartered, toàn hệ thống có kế hoạch nâng lên 400 cửa hàng. Chuỗi Vuvuzela tất nhiên cũng đóng góp lớn vào tổng mức phát triển này. Mặc dù thị trường beer club cạnh tranh gay gắt với khoảng 60 thương hiệu trên địa bàn TP.HCM và 100 thương hiệu tại miền Nam, nhưng Vuvuzela vẫn tăng trưởng ổn định và chắc chắn sẽ còn tiếp tục mở rộng”.

Gần đây, hai nhà đầu tư cá nhân đến từ Úc là Rafik Mankarious và Daniel Mankarious đã bỏ ra số tiền không nhỏ để thăm dò thị trường ăn nên làm ra này, bằng một beer club có quy mô lớn là TAPS Club tại quận 3, TP.HCM. TAPS Club đang trong giai đoạn dò đường và định vị phân khúc của mình tại Việt Nam. Phân khúc họ đang xây dựng ở mức cao hơn một beer club hiện tại, nhưng không đánh đồng với mô hình bar. Mức đầu tư ban đầu không được tiết lộ, nhưng theo họ chia sẻ, thuộc hàng cao nhất đối với một điểm beer club.

Theo thông tin từ lãnh đạo TAPS, tình hình kinh doanh đang dần ổn định, mặc dù lợi nhuận vẫn chưa đáng kể, nhưng lượng khách hàng đang tăng lên từng ngày. Các nhà đầu tư này cho biết, sẽ không ngần ngại gia tăng chuỗi trong thời gian ngắn sắp tới.

Ông Rafik Mankarious, Giám đốc TAPS Club, cho biết: “Hiện tại trên thị trường TP.HCM có rất nhiều thương hiệu, tuy nhiên mô hình mà TAPS đang xây dựng hoàn toàn chưa có trên thị trường. Điểm khác biệt đầu tiên là quy mô, vì hầu hết các mô hình beer club hiện tại đều sở hữu không gian khá nhỏ, ít đầu tư về nội thất cũng như chưa tạo ra không gian thoải mái cho khách hàng. Với TAPS, chúng tôi đầu tư khá kỹ về cơ sở hạ tầng, không gian, đặc biệt đây là beer club đầu tiên tại TP.HCM sở hữu hệ thống làm lạnh bia trực tiếp, với ống dẫn được nối trực tiếp ra bàn để khách hàng tự rót”. Tag: phong karaoke co dien

Theo một chuyên gia tư vấn, chi phí đầu tư cho một beer club dao động từ 6 – 9 tỷ đồng. Với mức lãi gộp có thể đạt tới 35% cho thức ăn và 50% đối với bia, nếu thành công nhà đầu tư có thể hoàn vốn chỉ trong vòng 12 tháng. Tuy vậy, khả năng thất bại sẽ dễ dàng nhìn thấy trong vòng 2 – 3 tháng, nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng. Vì thời gian thu hồi vốn nhanh, tỷ suất lợi nhuận tương đối lớn và phù hợp với thời gian đầu tư của các quỹ nên trong thời gian tới, có thể các mô hình beer club sẽ đón nhận thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài sau khi sàng lọc được những beer club kinh doanh hiệu quả và khác biệt.

Gần đây nhất, ba nữ Việt kiều (Victoria Phương Nguyễn – Hoa hậu châu Á tại Mỹ 2012, Cao Thuỳ Dương – Hoa hậu Thân thiện Hoa hậu quốc tế 2008 và Lê Thị Diệu Hân – Hoa hậu Đông Nam Á 2012) đã cùng nhau rót vốn đầu tư cho beer club Hobo tại quận 3, TP.HCM, với khách hàng mục tiêu là phụ nữ. Điều này cho thấy, việc tạo ra những phong cách khác biệt đang là bài toán sống còn của các nhà kinh doanh ẩm thực. Dạng nhà hàng – bia này không chỉ “lôi kéo” được nam giới mà còn thu hút ngày một nhiều khách hàng nữ.

Theo nhận định của Tạp chí Nikkei Asia Review, beer club ở Việt Nam là ví dụ tiêu biểu của các thương hiệu “xa xỉ đại chúng” chuyên phục vụ sản phẩm “xa xỉ giá mềm” dành cho tầng lớp lao động đại chúng. Cơ hội thu lợi từ đây cũng được hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài nắm bắt và đẩy mạnh triển khai khi thị trường ổn định trong thời gian tới. Với mức phát triển chóng mặt hiện nay, không thể liệt kê hết các beer club tại TP.HCM, nhưng cuộc sàng lọc mô hình này cũng tương đối khắc nghiệt, khi các hãng sản xuất bia tên tuổi đã tham chiến. Tại thị trường Việt Nam, Hãng Nghiên cứu thị trường BMI đánh giá, bia là lĩnh vực mang lại nhiều cơ hội kinh doanh mạnh mẽ nhất trong các nước Đông Nam Á. Theo thống kê của BMI, tăng trưởng tiêu dùng khối tư nhân tại Việt Nam sẽ đạt mức 6,5% trong năm 2015 và 6,4% năm 2016.

Điều này cộng với cơ cấu dân số trẻ sẽ thúc đẩy sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam tiếp tục gia tăng. Trong bối cảnh cạnh tranh trong phân khúc bia đóng chai và lon ngày càng khốc liệt, nhiều doanh nghiệp lớn của ngành bia cũng đổ tiền đầu tư để giành thị phần tại phân khúc beer club. Hiện nay, cả nước có đến hàng trăm câu lạc bộ với sự tham gia của các “ông lớn” như Heineken, Sapporo, Tiger, Đại Việt, Habeco….

Tham vọng của Sapporo và đòn phản công của Heineken

Là người đến sau, nhưng Sapporo là một trong những thương hiệu đầu tiên đi vào khai thác bia tươi theo dạng beer club ở Việt Nam. Lãnh đạo Sapporo Việt Nam không ngần ngại tuyên bố sẽ định vị phân khúc của mình ở dòng bia cao cấp, với các đối thủ trực tiếp là Heineken và Budweiser. Hiện tại, theo công bố mới nhất của lãnh đạo Sapporo, trong hệ thống nhà hàng, khách sạn, beer club ở TP.HCM, thị phần bia Sapporo chiếm 10%. Mong muốn của hãng bia Nhật là nâng thị phần này lên 20% trong thời gian tới. Ngoài thành tích tăng 200% doanh số của bia tươi trong năm 2014, đại diện Sapporo cho biết, bia tươi là thị trường tiềm năng mà hãng sẽ tiếp tục “quan tâm đúng mức” trong thời gian tới, sau một thời gian có mặt chủ yếu tại các nhà hàng Nhật Bản. Tag: Karaoke hien dai

Thậm chí, Sapporo đã xây dựng những câu lạc bộ độc quyền, phân phối sản phẩm bia tươi của mình bằng cách hỗ trợ lắp đặt thiết bị, tư vấn kỹ thuật và đầu tư hạ tầng. Hiện tại theo thống kê, Sapporo TP.HCM có khoảng 60 beer club, hầu hết có kinh doanh bia tươi Sapporo.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám sát cao cấp chiến lược kinh doanh của Sapporo Việt Nam cho biết, do gần đây phong trào beer club phát triển mạnh, bia tươi lại càng được biết đến rộng rãi hơn, nên đây là hướng đi mới giúp hãng đa dạng hóa sản phẩm và đẩy mạnh thương hiệu. Trong vòng một năm trở lại đây, bia tươi Sapporo có mức tăng trưởng doanh số gấp hơn hai lần so với cùng kỳ. Hãng dự kiến, thời gian tới, với sự gia tăng các hoạt động bán hàng, doanh số được kỳ vọng sẽ còn tăng hơn nữa. Công ty cũng đang cân nhắc về việc mở các beer club độc quyền về hình ảnh.

Nguồn: doanhnhanonline.com