TTO - Đó là phát biểu của đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại cuộc họp trực tuyến với hơn 700 đầu cầu (từ các bệnh viện, kể cả tuyến huyện) được Bộ Y tế tổ chức ngày 8-2.

Các bác sĩ của đội chống dịch lưu động của Bộ Y tế thăm bệnh nhân nhiễm virus corona tại Vĩnh Phúc - Ảnh: Thúy Anh


Vị đại diện WHO nhắc lại câu nói của ông tổng giám đốc tổ chức này: "Đây là lúc ứng phó, không phải lúc hoảng loạn". Đại diện WHO cũng đánh giá rất cao cách ứng phó mà VN đang làm.

Cơ hội khống chế dịch sẽ rất lớn nếu khống chế được ổ dịch ở Vĩnh Phúc

Tính đến tối 8-2 tại VN có 13 bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi Vũ Hán do virus corona. Các chuyên gia y tế cho rằng đa số ca mắc bệnh đều liên quan đến một ổ dịch ở Vĩnh Phúc, nơi có đoàn công nhân đi tập huấn Vũ Hán về nước hôm 17-1. Hiện có 9/13 ca nhiễm ở VN thuộc hoặc liên quan tới đoàn này.

Như vậy, nếu khống chế được ổ dịch ở Vĩnh Phúc và không phát sinh ổ dịch mới, cơ hội khống chế dịch sẽ rất lớn. Bởi các ổ dịch khác, như ở Thanh Hóa, bệnh nhân đã ra viện và không ghi nhận thêm ca mới. Ở TP.HCM, một trong ba bệnh nhân đã ra viện và cho đến 8-2, nơi đây cũng chưa ghi nhận bệnh nhân mới.

Còn tại Nha Trang, như Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá đã có đủ điều kiện để công bố hết dịch (bệnh nhân đã ra viện và chưa ghi nhận ca nhiễm mới).

Chính từ những dữ liệu trên, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến ngày 8-2, đại diện WHO cho biết VN đã rất nỗ lực và có nhiều biện pháp chuẩn xác để ứng phó với dịch.

Không có biểu hiện vẫn mắc bệnh

Khẩu trang cháy hàng, người dân hoảng loạn tìm mua khẩu trang, nước rửa tay khô, nhưng theo đại diện WHO, "đeo khẩu trang là ngăn nguy cơ mắc bệnh cho người khác nếu chúng ta có biểu hiện bệnh". Do đó không phải ai, lúc nào cũng cần đeo khẩu trang và có khẩu trang là... không lây bệnh.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - cũng cho rằng không phải ai cũng cần đeo khẩu trang chuyên dụng. "Không phải hoảng loạn, ai ai cũng đeo khẩu trang, ở bất kỳ chỗ nào" - ông Hùng hướng dẫn.

Trước đây người ta cứ nghĩ có sốt, ho, có viêm phổi và về từ vùng dịch, có liên quan quá cảnh ở vùng dịch mới có nguy cơ nhiễm virus corona. Thế nhưng, biểu hiện của bệnh nhân thứ 13 ở VN (được ghi nhận mắc bệnh từ 7-2) không hề có sốt, ho, viêm phổi, không có bất kỳ biểu hiện bệnh nào vẫn dương tính với virus corona.

Trả lời về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê lý giải đây là một chủng virus mới, như ở Trung Quốc nhiều ca tử vong, nhưng VN chỉ có một ca nặng (bệnh nhân 66 tuổi người Trung Quốc).

Còn lại đa số biểu hiện nhẹ. Vì thế bệnh cảnh rất đa dạng, có người bệnh nặng, có người nhẹ, ít biểu hiện, có khi chỉ hơi mỏi mệt.

"Có bệnh nhân biểu hiện bệnh rầm rộ, có người lại nhẹ như bệnh nhân 28 tuổi Li Zichao, chỉ 2-3 ngày sau đã âm tính với virus. Những phát hiện này đều là rất mới với cả chúng tôi" - ông Khuê nói.
41% ca nhiễm bệnh lây trong bệnh viện

Bác sĩ Nguyễn Đăng Khiêm - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) - trích một nghiên cứu trên 138 bệnh nhân virus corona nhập viện từ ngày 1 đến 28-1 tại Bệnh viện Trung Nam, ĐH Vũ Hán, Trung Quốc: Kết quả khảo sát cho thấy có 41% ca nhiễm bệnh là lây trong bệnh viện (lây người sang người), trong đó có đến 29% là nhân viên y tế.

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết tính đến cuối ngày 8-2, 28 quốc gia và vùng lãnh thổ có bệnh nhân nhiễm virus corona với gần 35.000 bệnh nhân, 724 người đã tử vong.

Việt Nam có 13 bệnh nhân, 3 đã ra viện, 2 đang điều trị tại TP.HCM, 4 ở Vĩnh Phúc, 4 ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội).

Nguồn: tuoitre.vn


Tham khảo thêm vật liệu xây dựng thế hệ mới: Bông khoáng RockwoolTấm xi măng Duraflex do công ty cổ phần Tất Phú phân phối.