Trong một lần đi tác nghiệp, tôi đã có cơ hội tiếp xúc với những nhân viên khiếm thị tại nhà hàng bóng tối đầu tiên của Việt Nam Noir. Dining in the Dark - restaurant in ho chi minh . Lắng nghe câu chuyện của họ, tôi thật sự thấy hiểu thêm rất nhiều điều. Trong văn hoá người châu Á nói chung và nhiều người Việt nói riêng, nếu như trong gia đình có người khuyết tật, người ta sẽ nghĩ họ khó có thể tiếp xúc bình thường với xã hội, đó là quan niệm rất sai lầm.
Nhân viên tại Noir có 22 người và 10 người đều là người khiếm thị. Những người khiếm thị mất 3 tháng để làm quen với từng phòng ốc và các món ăn, nguyên liệu của nhà hàng trước khi phục vụ khách. Đối với các bạn khiếm thị để nhận biết món ăn, mùi vị, phải dùng từ ngữ hình ảnh thật cụ thể, phải nếm thử, cầm thử. Bên cạnh đó, những kĩ năng như rót nước để chai nước không chạm vào thành cốc, gây ra tiếng động hay nhận biết rót khi nào thì đầy cũng cần phải rèn luyện nhiều.
Khi tiếp xúc với khách hàng, phải có dáng đứng thẳng, quay người về hướng người nói để họ biết mình đang lắng nghe. Trong phòng tối nhưng vẫn phải mỉm cười với khách, bởi vì khách hàng rất nhạy cảm, bởi lẽ mình không có thị giác, các giác quan khác nổi trội, nhạy cảm hơn. Khả năng định hướng trong bóng tối của các bạn khiếm thị rất tốt, các bạn cảm nhận được những đồ vật khách dịch chuyển và kéo nó về những vị trí đúng.
Tiếp xúc với họ, ban đầu tôi còn hơi bỡ ngỡ, thế nhưng chỉ vài phút nói chuyện là cảm thấy vô cùng thoải mái vì những người khiếm thị ở đây đều rất vui vẻ và lạc quan.
Thật thú vị khi được biết nhiều nhân viên khiếm thị vô cùng tài năng như bạn Nguyễn Anh Tấn, sinh năm 1985, Vô địch toàn quốc trong làng cờ người khiếm thị năm 2013 với 4 huy chương vàng ở cả 4 nội dung. Anh cũng đạt 1 huy chương vàng và 3 huy chương bạc năm 2014 và tham gia thi đấu Paragame ở Myanmar.
Bạn Trần Võ Viễn Nghĩa, sinh năm 1990, sinh viên ĐH Luật, đã có bằng Cử nhân ngành Tâm lí tâm sự: “Khi được phục vụ khách hàng, mình làm chủ được không gian, làm chủ chính mình. Nhiều khách nhờ mình tìm lại li nước họ lỡ để sai vị trí, hay gọi mình khi làm rơi muỗng nĩa. Có khách sợ quá khi vào tới nơi đòi đi ra, mình liền an ủi và nói 5-10 phút sau sẽ quen. Những lúc đó khiến mình cảm thấy mình còn có thể giúp đỡ người khác, người khác còn phải dựa vào mình. Sự hài lòng của khách hàng là niềm vui thật sự to lớn của mình.
Có một khách hàng mình nhớ mãi bởi khi ăn xong, chị đó khóc rất nhiều vì đồng cảm với tụi mình. Nhưng mình cảm thấy khiếm thị không phải là khổ, đó là hạn chế nhưng đối với tụi mình đó là điểm tựa để tụi mình dựa vào đó cố gắng hơn để khẳng định được mình hơn. Nếu mình không khiếm thị thì chưa chắc mình đã cố gắng nỗ lực hết sức mình đến như vậy”.
Võ Ngọc Trà My (1991, sinh viên năm 4 Khoa giáo dục đặc biệt trường ĐH Sư phạm TPHCM, từng đạt nhiều huy chương nhảy xa trong nước và quốc tế) nhớ lại ngày đầu tiên tiếp đón khách đến nhà hàng: “ Khoảnh khắc ấy mình xúc động, ai cũng hồi hộp nhưng chừng 5-10 phút sau thì quen. Bản thân mình là khiếm thị nhìn kém, thị lực dưới 3/10, còn cảm nhận được ánh sáng, bóng tối, bóng bàn tay. Khoảnh khắc sau hơn một tiếng đồng hồ đón khách ra ngoài tự nhiên khiến mình cảm thấy thương những bạn khiếm thị hoàn toàn lắm, mình còn may mắn khi còn cảm nhận được dù là chút ít ánh sáng”.
Theo thống kê tại Việt Nam, khoảng 94% người khiếm thị không có việc làm và phần lớn các công việc hiện tại của người khiếm thị chủ yếu vẫn là lao động phổ thông và thu nhập trung bình hàng tháng vẫn còn khá thấp. Việc tạo điều kiện để người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung làm việc và cống hiến cho xã hội là một điều vô cùng cần thiết.
Nếu có thể, bạn hãy thử một lần đến nhà hàng bóng tối, hay đơn giản là thưởng thức bữa ăn hoàn toàn trong bóng đêm tại nhà để hiểu thêm về chính mình, hiểu thêm về những khó khăn mà người khiếm thị phải trải qua, bạn nhé!
Phương Anh
Theo cafebiz.vn
Liên hệ
Địa chỉ : Hẻm 178 Hai Bà Trưng . Phường Đa Kao . Quận 1 . Tp. HCM . Việt Nam
Số điện thoại : +84 8 6263 2525
Email : saigon@noirdininginthedark.com
Website : noirdininginthedark.com