Nhưng nỗi lo của tôi trở nên thừa, bởi thực tế, ở vùng biển có những học sinh ngoan ngoãn, những người đàn bà làng chài nhẫn nại hay sự mặn mà, quyến rũ của ẩm thực khiến tôi trở nên yêu mến vùng đất này. Tuy là người mang con chữ đến cho các em vùng biển, nhưng đôi lúc tôi thấy mình như một học trò của những người đàn bà biển, bởi họ chỉ cho tôi cách nấu từng món ăn đậm đà hương vị biển, cho tôi hiểu thêm phong tục cùng thú vui của những người dân vùng biển. Tôi ấn tượng đặc biệt với những món ăn hai san tuoi song nơi đây. Và món làm tôi khoái khẩu nhất vẫn là gỏi cá trích.

Mỗi mùa một loại cá, nhưng cá trích thì hầu như có quanh năm. Những loại cá lớn, người dân thường mang ra chợ phố bán. Cá nhỏ dùng để làm mắm hoặc phơi khô. Có loại dùng để làm thức ăn dự trữ trong gia đình như kho, nấu, chiên, hấp và đặc biệt là gỏi. Thịt cá trích ngọt, dai và không tanh nên rất hợp để làm món gỏi. Gỏi cá trích là món ăn dân dã có từ lâu đời của những người dân chài vùng biển. Nguồn gốc của món ăn này không ai biết chính xác mà chỉ biết rằng, để làm được gỏi cá trích ngon thì đòi hỏi phải khéo tay và có nghệ thuật.

Khâu đầu tiên trong việc chuẩn bị gỏi cá trích là cần phải chọn loại cá tươi, ngon, thịt săn, xương nhỏ từ những mẻ cá trích được ngư dân đánh bắt và đưa lên bờ đầu tiên. Cá mua về rửa sạch, bỏ đầu và đuôi, lạng phi hai bên lề, sau đó, lấy đoạn ở giữa, thái cá ra từng lát mỏng, càng mỏng càng tốt.

Cá thái xong, dùng nước cốt chanh ướp khoảng 15 phút, thịt cá trích sẽ chín tái, chuyển từ màu đỏ sang trắng hồng. Đun nóng dầu ăn, cho hành thái lát vào, hành chuyển sang màu vàng, để nguội và cho cá vào trộn đều. Sau đó, nêm các gia vị như muối, tiêu, ớt, tỏi, đậu phụng rang, bánh tráng bóp nát, trộn đều để gỏi ráo và ngon.

Người nào mới ăn gỏi cá trích lần đầu chắc chắn còn có chút do dự. Nhưng khi đã quen với những dư vị của gỏi thì sẽ muốn ăn thêm lần nữa. Gỏi cá trích thường ăn kèm với các loại rau như húng quế, ngò, chuối chát, hoặc bắp chuối thái mỏng, thêm vào vài lát ớt xanh…

Để có món gỏi hoàn hảo, đậm đà, phải biết cách chế biến nước mắm. Nước mắm nhỉ càng tốt. Với những ngư dân vùng biển, thay vì đi siêu thị để chọn cho mình những loại nước mắm đóng chai hấp dẫn, thì phần lớn họ tự chế biến từ các loại cá và ăn kèm với những loại rau thơm, có trong vườn nhà. Gỏi cá là món ăn đậm đà chất biển, dễ chế biến và được xem là món chủ yếu để đãi khách từ nơi khác đến. Thưởng thức gỏi cá trích có vị chua chua của chanh, cay xè của ớt cùng vị ngọt béo của cá, vị chát của chuối và vị mặn mà của mắm biển, vừa ăn, vừa nghe tiếng rôm rốp của bánh tráng thì tuyệt vời biết mấy. Món gỏi cá không kén người thưởng thức cũng không cần chọn thời điểm thích hợp. Bất kỳ mùa nào trong năm cũng có thể làm gỏi cá để ăn, đãi khách.

Đã quá quen thuộc với hương vị cá hấp, cá nướng, cá nấu lẩu… thì gỏi cá trích là món ăn vừa ngon miệng, vừa có hương vị riêng. Gỏi cá trích từ lâu được xếp vào danh sách 6 món gỏi đầy mê hoặc của ẩm thực Việt và là món ăn quen thuộc của mỗi gia đình vùng biển miền Trung.

Ban ngày, tôi thường mải mê với những bài giảng, con chữ. Tối đến, tôi đi dạo một vòng quanh xóm nhỏ để xem các em học bài và để… học lỏm cách chế biến những món ăn ngon, độc, lạ của những người phụ nữ vùng biển. Tôi coi đó là chút “tài sản’’ để thêm vào kỹ năng nấu nướng của mình. Những người phụ nữ làng chài, ban ngày, họ tháo vát, lam lũ bên những gánh cá, đêm về, họ là những phụ nữ dịu dàng bên bếp lửa gia đình để chuẩn bị bữa tối cho chồng, con.

Ngỡ rằng, khi đến với vùng biển, tôi chỉ cần mang theo những con chữ và cố gắng dạy vài năm rồi về với phố thị. Nhưng hồn người, hồn ẩm thực ở đây đã làm tôi yêu hơn mảnh đất này. Từ đó, tôi biết cách chế biến những loại hải sản tươi ngon, trong đó có món gỏi cá trích. Và tôi cũng nhận ra rằng, không chỉ học hỏi những con chữ trong sách vở, mà cả những bài học trong cuộc sống. Nhất là công việc nấu nướng - đó được xem là bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình.