Ông Ô trồng Bưởi da xanh thành công trên đất nhiễm phèn
Thứ năm, 25/10/2012 16:09
Giá bán ổn định ở mức cao, thời gian qua nhiều nông dân trong tỉnh Bến Tre đã đầu tư trồng Bưởi da xanh với hy vọng đạt thu nhập cao. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mà loại cây trồng này đem về không phải lúc nào cũng như mong đợi của nông dân bởi năng suất tùy thuộc vào cách trồng, chăm sóc và điều kiện thổ nhưỡng ở từng nơi.


Ông Ô đạt thu nhập khá cao từ 45 cây Buoi da xanh trồng trên vùng đất nhiễm phèn.

Năm 2004, ông Trần Văn Ô ở ấp Tiên Đông Vàm, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành đầu tư trồng 45 cây Bưởi da xanh xen trong 1,5 công vườn nhãn tiêu da bò của gia đình. Thời gian đầu, cây nhãn ông không đốn bỏ mà vẫn để nhằm che mát cho Bưởi mới trồng, đồng thời thu nhập từ cây nhãn giúp ông có điều kiện đầu tư chăm sóc cho cây Bưởi trong thời gian cây còn nhỏ. Cây nhãn được ông Ô loại bỏ dần khi tán Bưởi da xanh phát triển và bước vào giai đoạn thu hoạch.

Xác định vùng đất của mình trước đây trồng lúa bị nhiễm phèn, năng suất thấp nên trồng Bưởi da xanh sẽ không dễ dàng thành công nếu không có cách chăm sóc phù hợp, đặc biệt là không khắc phục hiện tượng nhiễm phèn của đất. Ngay từ khi vừa trồng Bưởi xuống, ông Ô đã quan tâm chăm sóc và cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cây bằng việc kết hợp đồng loạt các khâu cải tạo đất như: bón phân hóa học kết hợp với phân hữu cơ cho Bưởi, rải vôi hạ phèn cho mảnh vườn...

Ông Ô cho biết: “Vì là đất kém màu mỡ nên từ khi cây Bưởi bắt đầu thu hoạch trái ổn định đến nay, bình quân mỗi tháng tôi bón phân hóa học cho vườn Bưởi một lần, mỗi cây bón 1 kg phân NPK các loại tùy theo từng thời điểm trong năm để giúp cây có đủ dưỡng chất phát triển, ra hoa, nuôi hoa quả trái. Mỗi năm, tôi còn bón từ 2-3 đợt phân hữu cơ, mỗi lần bón khoảng 30 kg/cây, cho đất tơi xốp không bị chay vì phân hóa học. Cách 4 tháng, tôi phải rải vôi 1 lần cho vườn Bưởi nhằm sát trùng nấm bệnh và hạ độ phèn cho mảnh vườn. Trong vườn, các ao được nạo vét đảm bảo thoát nước tốt vào mùa mưa và trữ đủ nước tưới vào mùa khô. Mùa nắng cách 2 ngày tôi tưới Bưởi 1 lần và dùng lá đậy gốc, giữ ẩm cho cây. Ngoài ta, tôi còn tỉa cành tạo tán cho cây Bưởi được thông thoáng và để trái phù hợp với sức phát triển của cây”.

Ba năm nay, chỉ với 45 cây Bưởi da xanh cho trái ổn định, đã đem về cho ông Ô mức thu nhập khá cao. Năm 2010, ông thu nhập khoảng 50 triệu đồng; năm 2011 thu nhập 60 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, ông đạt thu nhập trên 50 triệu đồng. Bình quân một cây Bưởi da xanh ông thu khoảng 100 kg mỗi năm.

Mô hình trồng Bưởi da xanh đạt năng suất cao của ông Ô cho thấy, trên vùng đất nhiễm phèn cây Bưởi cũng sẽ phát triển tốt và đem về hiệu quả kinh tế cao. Điều quan trọng là nông dân nắm bắt được điều kiện thổ nhưỡng, từ đó có cách trồng và quan tâm chăm sóc phù hợp để cây thích nghi và phát triển trên mảnh đất của mình.