Việc chiết khấu, giảm giá diễn ra trong lúc thị trường ảm đạm đã đành, nay khi thị trường đã khởi sắc, thanh khoản tăng mạnh, các chương trình này vẫn được chủ đầu tư, đơn vị phân phối áp dụng. Vì sao lại có tình trạng này? Có thể thấy rằng, mặc cả khi mua hàng đã trở thành thói quen ăn sâu vào tâm lý người Việt Nam từ bao đời nay. Các chị em, thậm chí là nhiều đấng mày râu khi đi chợ mà kì kèo bớt được dăm ba đồng khi mua con cá, mớ rau dù mua đắt, vẫn thấy phấn khởi trong lòng. Nhưng không chỉ khi mua các hàng hóa giá trị bé như con cá, mớ rau, mà ngay cả khi mua những hàng hóa có giá trị lớn và tưởng chừng có giá cố định như nhà đất, bất động sản dự án, người mua cũng thích bớt chút “lấy lộc”. Âu đó cũng là thói quen bao đời khó bỏ của người Việt. Do đó, không khó hiểu khi các chủ đầu tư, đơn vị phân phối mở bán dự án luôn cài theo chương trình khuyến mại, chiết khấu, dù thị trường bất động sản hiện nay đang tốt. Cụ thể, từ đầu năm 2016 đến nay, thị trường xuất hiện hàng loạt các dự án bán nhà có chiết khấu. Chẳng hạn, Dự án Sun Square trên đường Lê Đức Thọ, chiết khấu đến 5% giá trị hợp đồng; Dự án Ecolife Capitol chiết khấu từ 3,5 - 4%, Dự án Gemek Premium chiết khấu 3%, hay khi mua nhà tại Dự án chung cư GoldSeason, khách hàng sẽ được chiết khấu lên đến 8,5%... Trong bối cảnh nguồn cung căn hộ đang rất lớn, việc tung chương trình chiết khấu không chỉ giúp chủ đầu tư bán được hàng nhanh, mà cũng giúp khách hàng được hưởng lợi. Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ, khách hàng sẽ thấy một số chương trình dạng này chẳng khác nào như “mỡ treo cành cao”. Chẳng hạn, tại chung cư 47 Nguyễn Tuân, khách hàng phải nộp đủ tiền 70% giá trị hợp đồng ngay trong đợt đầu thì mới được hưởng chiết khấu 3%. Hay như Dự án Ecolife Capitol, để được hưởng chiết khấu, khách hàng phải đóng đến trên 90% giá trị hợp đồng. Thực tế, số tiền từ 70 - 90% giá trị hợp đồng là số tiền quá lớn. Nếu nộp trước số tiền này cho chủ đầu tư, về lý thuyết không khác gì khách hàng đã cho chủ đầu tư vay tiền và mức chiết khấu giống như lãi suất. So với mức lãi suất tiết kiệm 7 - 8%/năm như hiện nay, thì xem ra phần lợi đã thuộc về chủ đầu tư, nhưng nhiều khách hàng vẫn khấp khởi mừng vì... được chiết khấu! Việc khách mua nhà ứng trước tiền cho chủ đầu tư (hoặc đơn vị thứ cấp) không chỉ bây giờ mới xuất hiện. Hiện tượng này từng diễn ra hết sức phổ biến thời điểm trước năm 2011, là thời điểm thị trường địa ốc lên cơn sốt. Thời điểm này, nhiều khách hàng đã ứng trước cho chủ đầu tư (hoặc đơn vị thứ cấp) đến trên 70% giá trị hợp đồng, dù dự án vẫn chưa được triển khai. Chính vì thế, khi thị trường gặp khó khăn, dự án không được triển khai, nhiều khách hàng đã phải mòn mỏi đi đòi tiền, đòi nhà. Dù việc ứng trước tiền ở mức 70% hoặc hơn cho chủ đầu tư hiện nay đã khác với giai đoạn trước và khách hàng đã thông minh hơn, vẫn truyền tai nhau câu “mua nhà, ngó chủ đầu tư”, nhưng không phải vì thế mà người mua không gặp rủi ro. Ngoài rủi ro về mặt tiến độ, thì việc khách hàng mua nhà tại các dự án chiết khấu khủng cũng đối diện với hàng loạt rủi ro khác như chất lượng công trình xây dựng, bất lợi một khi tranh chấp hợp đồng với chủ đầu tư diễn ra. Thị trường cũng chứng kiến nhiều chủ đầu tư làm ăn chộp giật, ngay khi thị trường vừa chớm phục hồi đã đẩy giá bán lên cao và bị “ế hàng”. Nay, vừa để bán được hàng mà không bị “bẽ mặt”, các doanh nghiệp này tung ra chiêu khuyến mãi khủng, kèm theo điều kiện nộp tiền cao. Vì vậy, Mua nhà tại những dự án GoldSeason này, khách hàng không được lợi gì từ các chương trình chiết khấu, nếu không nói là khách đã bỏ tiền mua rủi ro.