Cẩn trọng những cơn sốt ảo của BĐS Hà Nội
Thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội ghi nhận giao dịch thấp nhất trong 2 năm qua, gồm cả phân khúc cao cấp lẫn bình dân. Bên cạnh đó, nhiều nhân viên môi giới BĐS đang làm giá, tạo sốt ảo.
Chung cư xa trung tâm ảm đảm

Nhìn vào những báo cáo mới nhất của Công ty tư vấn Savills Việt Nam về thị trường BĐS Hà Nội trong quý I/2017, nhiều nhà đầu tư phải giật mình khi nguồn cung tăng chóng mặt nhưng lượng mua ít. Cụ thể, tổng nguồn cung sơ cấp căn hộ để bán đạt 24.160 căn, tăng 12% theo quý và 49% theo năm.

Theo nhận định của Savills, trong năm 2017, có khoảng 40.800 căn hộ sẽ gia nhập thị trường, đa số là căn hộ Hạng B từ các quận Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân và Từ Liêm. Ở phân khúc biệt thự, nhà liền kề, con số đạt 36.068 căn, tăng 3% theo quý và 14% theo năm. Trong quý này, có 3 dự án mới được tung ra thị trường với xấp xỉ 1.005 căn. Tổng lượng giao dịch trong quý I/2017 đạt 579 căn, giảm 24% so với quý trước.

>>> có thể bạn quan tâm: Bán nhà phố đường Lĩnh Nam, Hoàng Mai / Bán nhà đẹp phố Nguyễn Chí Thanh

Thực tế, tình trạng cung "áp đảo" cầu đang diễn ra ở khắp các phân khúc. Theo ghi nhận, giao dịch tại các sàn BĐS đang có dấu hiệu chững lại, số lượng khách đến tham quan ít, nhân viên môi giới ngồi chơi buôn chuyện. Đơn cử, tại nhà mẫu chung cư cao cấp Riverside Garden (Vũ Tông Phan, Thanh Xuân, Hà Nội) khách đến tham quan rồi đi, nhân viên tư vấn ra sức thuyết phục vẫn không “chốt” được căn nào. Ở phân khúc bình dân với giá 17 triệu đồng/m2, căn hộ mẫu của dự án Golden An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) hay Xuân Mai Complex (Tố Hữu, Hà Đông) thiết kế hợp lý nhưng khách hàng vẫn cân nhắc trước khi xuống tiền.

Ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc EZLand cho hay, thanh khoản trên thị trường BĐS thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Giao dịch ở phân khúc nào cũng kém. Nếu như phân khúc giá rẻ là điểm sáng của thị trường khi gói 30.000 tỷ đồng còn thì nay dù nguồn cung nhiều nhưng khách mua ít, bởi không có tín dụng ưu đãi hỗ trợ. Một số sàn BĐS đã phải tự tìm kiếm các thị trường tỉnh lẻ, vì mức độ cạnh tranh giữa các dự án đỡ căng thẳng hơn. Theo tiết lộ của ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Đất xanh miền Bắc, sàn Đất xanh miền Bắc đang phân phối nhiều chung cư cao cấp và thực tế thị trường đang chững lại với chung cư giá trên 40 triệu đồng/m2.

Một chủ đầu tư chung cư cao cấp đường Nguyễn Tuân (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, khoảng 3 tháng nay, sàn phân phối độc quyền chỉ bán được 5-8 căn/tháng. Đây là con số đáng buồn bởi chỉ trước Tết Nguyên đán 2017, sàn bán được 40-50 căn/tháng. Do tình trạng bán chậm nên chủ đầu tư buộc phải giảm giá.

Thổi giá, sốt ảo
Môi giới nhà đất đua nhau tạo sốt ảo ở Khu đô thị Thanh Hà (Hà Đông, Hà Nội)
“Cò” đất thổi giá tạo sốt ảo
Tháng 6/2016, Khu đô thị Thanh Hà (Hà Đông, Hà Nội) được mở bán rầm rộ trên thị trường. Thời điểm đó, những căn liền kề chỉ có giá chênh nhẹ 10-30 triệu đồng với giá gốc 16-19 triệu đồng/m2. Cả nửa năm thị trường không có tín hiệu sôi động nhưng bỗng nhiên trong vòng 3 tháng nay, các cò đất đua nhau thổi giá đất tại Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5. Theo ghi nhận tại dự án, các sàn BĐS mọc lên nhan nhản. Giá các khu liền kề được các cò thổi lên 50 triệu đồng/m2 so với giá trên hợp đồng là khoảng 24 triệu đồng/m2; liền kề 100m ô góc đường 60m lên tới 56 triệu đồng/m2. Khu vực gần hồ vào hợp đồng giá khoảng 16 triệu đồng/m2 hiện được rao bán với giá 26 – 27 triệu đồng/m2…

Theo lời quảng bá của một cò đất, giá đất dự án ở đường nào cũng tăng nhưng có những khu đặc biệt tăng đột biến như khu đường lớn và gần hồ. Khách chỉ cần "ôm" ngày hôm trước hôm sau đã có lãi. Môi giới này dẫn chứng: “Hôm qua, sàn bán ra 11 ô toàn giá rẻ khách mới đặt cọc 50-100 triệu đồng. Hôm nay chỉ cần bán cọc thôi cũng được 50 triệu đồng nhưng nhiều người không bán. Giờ ở đây mỗi ngày một giá, thậm chí giá thay đổi theo từng giờ phải cập nhật liên tục”.

Cò vẫn tiếp tục mồi khi khách tỏ ra lưỡng lự: “Khách mua ở đây cũng phải quyết định nhanh chậm một ngày là mất bao nhiêu tiền. Nói thì nhiều khách không tin ngày hôm trước báo giá 21 triệu đồng/m2, ngày hôm sau đến hỏi lại giá đã là 22 triệu đồng/m2, có khi chiều xuống đặt tiền phải 22,5 triệu đồng/m2 họ mới bán. Họ cứ nghĩ là mình lừa họ nhưng giá ở đây giờ nó tăng như thế”.

Trong khi giá đất tại Thanh Hà đang tăng lên từng ngày, từng giờ theo lời của các “cò” nhưng thực tế người dân xuống tiền mua dự án ít. Hầu hết các giao dịch chỉ diễn ra giữa các sàn với nhau. Sự tăng giá chóng mặt này khiến khách hàng nghi ngờ bởi khu đô thị rộng lớn nhưng hạ tầng mới chỉ làm được 1/3. Hiện tại, dự án chỉ có 3 tòa chung cư hoàn thiện, lèo tèo cây xanh.

Ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam thừa nhận, việc chủ đầu tư tung quá nhiều hàng thuộc phân khúc cao cấp cũng dẫn tới lo ngại thị trường khó hấp thụ hết được, gây ra dư cung. Vì vậy, khách hàng cần tìm hiểu kỹ về chủ đầu tư và đơn vị môi giới có đủ điều kiện để bán nhà không. Thẩm định lại thông tin rồi mới quyết định giao dịch. Ngoài ra, khách hàng cũng nên tham khảo giá cả ở các dự án tương đương để so sánh, kiểm chứng lại những thông tin về dự án đã được thổi phồng, quảng cáo sai sự thật, thổi giá bán nhà… Khi thực hiện các giao dịch BĐS sẽ an toàn, tránh bị lừa.