Nguồn: Mang họa vì xăm môi cấp tốc

Bất chấp những cảnh báo nguy hại từ chuyên gia sức khỏe, nhiều tín đồ mỹ phẩm online chọn mua loại miếng dán độc hại này để làm đẹp.

"Xăm môi thật vừa đau lại dễ lây nhiễm bệnh, son môi vừa nhanh phai vừa tốn kém. Muốn sở hữu một cặp môi không đụng hàng, lại thoải mái ăn uống mà không sợ son trôi, chỉ cần sở hữu miếng dán môi cấp tốc". Đây là quảng cáo được rao rất nhiều trên diễn đàn mạng về miếng dán môi được nhiều bạn trẻ săn lùng trong thời gian gần đây. Một miếng dán với đủ thứ màu sắc lung linh và hình dạng bắt mắt lại khá rẻ, chỉ có giá từ 15.000-50.000 đồng, khiến cho nhiều bạn trẻ sẵn sàng bỏ tiền để sở hữu đủ bộ sưu tập “môi xinh”.
>> Son môi màu đỏ cho da ngâm là đúng hay sai

Chỉ vào xấp miếng dán môi hàng chục kiểu, Nguyễn Thị Hoa (Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk) tự hào: “Mình phải nhịn ăn sáng hàng tháng trời mới tậu đủ bộ, đi đâu chỉ cần in vào môi rồi gỡ ra là đẹp, lại không lo bay màu như các loại son bình thường. Khi nào không cần nữa thì dùng nước tẩy xóa đi là hết. Bạn mình đứa nào cũng sở hữu từ hàng chục cặp trở lên, vừa nói Hoa vừa chỉ cho chúng tôi cách dán môi sao cho đẹp mà không bị lem. Hầu hết các bạn trẻ khi được hỏi đều cho biết do thấy các kiểu dán môi vừa độc đáo, bắt mắt lại “sành điệu” nên sử dụng, chứ không quan tâm đến chất lượng hoặc sự độc hại của nó.

Lở miệng vì miếng dán môi siêu tốc bán tràn lan trên mạng.
Một chủ cửa hàng tiết lộ: “Trước đây những mặt hàng này chủ yếu bán ở khu vực thành phố. Hiện nay các bạn trẻ ở nông thôn lại rất ưa chuộng. Nguồn hàng chủ yếu lấy lại từ một số người quen ở các tỉnh phía Bắc, sau đó phân phối rồi bán lẻ ra thị trường. Không ai biết nơi sản xuất cũng như thành phần hóa chất in trên đó, thấy giá rẻ lại được nhiều người ưa chuộng nên đem về bán kèm với quần áo, mỹ phẩm”.
>> Da vàng chọn son môi màu đỏ nên hay không

Chỉ hơn một tháng sử dụng những cặp môi dán, Hoa đã mếu máo “tố cáo” với chúng tôi về sự độc hại: "Nếu không bị dị ứng với miếng dán môi thì người sử dụng cũng khó tránh khỏi tình trạng “môi thâm như da trâu” sau thời gian dán lâu ngày".
Chị N.T.H.L. (học viên trung cấp kế toán) cũng tâm sự: “Lúc đầu thấy các bạn cùng lớp sử dụng tôi cũng không để ý. Nhưng vì tò mò và nghĩ cũng tiện lợi nên tôi mua về dùng thử. Không ngờ mới dùng một thời gian ngắn, môi của tôi trở nên thâm đen và nhăn nheo, rất khó coi”.

Chị Nguyễn Thị Thảo (thành viên một diễn đàn làm đẹp) cũng từng chịu hậu quả vì sử dụng miếng dán môi được quảng cáo "hàng xách tay từ Mỹ". Khi vừa bóc lớp dán khoảng 20 phút, chị Thảo cảm thấy nôn nao khó chịu trong người. Mọi người lập tức đưa chị đi cấp cứu và phát hiện bị dị ứng với loại hóa chất huỳnh quang có chứa trong miếng dán.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Trang (chuyên khoa da liễu), môi vốn là vùng da mỏng và nhạy cảm, trong khi các chất chứa trong thành phần của loại miếng dán này không được kiểm chứng, vì vậy rất dễ gây ra dị ứng. Chưa kể, khi ăn uống các loại chất này sẽ theo đường miệng vào trong cơ thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.