Môi giới bất động sản là một nghề năng động, thu nhập hấp dẫn nhưng cũng đào thải khắc nghiệt. Không phải ai cũng chịu được “nhiệt” để theo nghề này, với nữ giới lại càng khó khăn hơn. Phía sau bộ váy áo sang trọng, nụ cười thường trực trên môi là những cung bậc vui buồn không phải ai cũng thấu.
Những nỗi khổ đặc thù

1. “Leo cây” như cơm bữa
Lau những giọt mồ hôi sau một buổi sáng chạy đi chạy lại với 4-5 vị khách tiềm năng, Linh, nữ môi giới bất động sản có khuôn mặt xinh xắn và giọng nói truyền cảm, bắt đầu câu chuyện bằng những kỷ niệm hồi năm 2014. Lúc đó, thị trường bất động sản đã bắt đầu ấm lên, trở thành miền “đất hứa” cho nhiều nam thanh nữ tú. Viễn cảnh được khoác lên mình bộ vest sang trọng, được làm việc trong một môi trường năng động, được gặp gỡ những người giàu có, thành đạt cùng với đó là khoản thu nhập “khủng” đã thôi thúc Linh từ một nhân viên văn phòng lấn sân sang nghề môi giới.
>> Có thể bạn quan tâm: cho thuê chung cư Goldmark City / bán nhà Xã Đàn diện tích 25 m2
Với tất cả sự hào hứng, Linh mở đầu sự nghiệp mới bằng cách bốc máy gọi điện cho một khách hàng tiềm năng mà cô có được số nhờ tìm kiếm trên mạng. Chỉ mới nói được vài câu thì bị vị khách đó chửi vì tội làm phiền và lạnh lùng cúp máy.

Mười cuộc gọi thì có đến quá nửa bị từ chối thẳng, vài cuộc từ chối khéo, may ra thì được 1-2 khách hàng đồng ý hẹn gặp. Vì thế cho nên hễ có khách hàng gọi là Linh xách xe chạy ngay. Và với những cuộc hẹn hiếm hoi đó, việc bị khách hàng cho “leo cây” lại xảy ra thường xuyên.

“Có khi vừa kêu dĩa cơm ra chưa kịp ăn, nghe khách gọi là vắt chân lên chạy. Có lần khách hẹn 19h gặp tư vấn, mình chạy xe máy gần chục cây số xuống đến nơi hẹn, gọi điện thì khách kêu bận rồi cúp máy. Có hôm gặp trời mưa khách sợ ướt không đến, mình lại lủi thủi quay về, vừa đói vừa mệt”, Linh chia sẻ và cho biết thêm, môi giới thì nam nữ gì cũng bị dính những tình huống này, song với phụ nữ, cảm giác bị từ chối và hờ hững xem chừng khó nguôi ngoai hơn các đồng nghiệp nam rất nhiều.

Vui, buồn đời nữ môi giới
Nữ môi giới bất động sản luôn phải chịu nhiều áp lực. Ảnh: Đăng Thy

2. Bị khách “gạ tình”

Mới vào nghề được hơn một năm, nhưng Vân, nhân viên môi giới bất động sản tại quận Bình Thạnh, cũng đã trải qua bao chuyện dở khóc dở cười. “Thấy mình mặc váy, trang điểm thật đẹp nhiều người cứ nghĩ mình làm việc trong văn phòng máy lạnh, ngồi bàn máy tính. Nhưng thật ra mình cứ phải chạy ngoài đường giữa trưa nắng, bụi khói mù mịt”, Vân nói.

Ngoại hình xinh xắn đã hỗ trợ rất nhiều cho công việc, nhưng điều này cũng khiến Vân gặp không ít rắc rối. Nhiều khách hàng nam sau khi được tư vấn thì tối nào cũng nhắn tin, gọi điện nói đủ chuyện trên trời dưới đất mà chẳng bao giờ đề cập tới chuyện mua nhà. Chuyện nữ môi giới bị khách “gạ tình” diễn ra phổ biến. Đó là những lúc mà môi giới phải làm cái chuyện mà khách hay làm với mình: cúp máy giữa chừng.

Ở chiều ngược lại, có không ít trường hợp khách hàng nam đã đồng ý đặt cọc nhưng sau đó lật kèo chỉ vì người vợ cảm thấy không “hài lòng” khi thấy cô môi giới trẻ khi tư vấn tập trung quá nhiều vào người chồng.

3. Mất những khoảnh khắc gia đình

Với những phụ nữ đã có gia đình, để theo được nghề này thực sự là thử thách. Chị Liên, môi giới một sàn tại quận 2, cho biết nghề này có đặc thù là làm việc không có giờ giấc, ngày người ta nghỉ là ngày làm của mình, khách gọi là phải chạy nên luôn áp lực khi có gia đình. Không có thời gian chăm sóc con cái, nhiều khi cả tuần gia đình không có bữa cơm chung. Mặc dù chồng chị thấu hiểu và thông cảm công việc của vợ nhưng cũng không tránh được những lúc mâu thuẫn, bằng mặt mà không bằng lòng.

“Phụ nữ đã có gia đình thì rất khó để theo nghề do bị phân tâm rất nhiều, không có thời gian để chăm sóc con cái. Thế nên đa số nữ môi giới hiện nay là những bạn trẻ, còn độc thân”, chị Liên nói.

Những bài học quý không nằm trong sách vở

Mặc dù có nhiều áp lực, khó khăn và không biết bao lần phải rơi nước mắt vì nghề nhưng cả chị Liên, Linh và Vân đều cho rằng chính môi trường khắc nghiệt như vậy đã giúp họ trưởng thành hơn rất nhiều.

1. Giao tiếp, ứng xử tốt lên

Linh chia sẻ, trước đây, khi nói chuyện cô luôn chiếm diễn đàn để được nói thỏa thích, không quan tâm đến ai. Gặp ý kiến không hợp là sùng lên cãi cho bằng được, cãi không được thì khóc nức nở… Nhưng bây giờ cô trở nên điềm đạm hơn, nói ít đi và sẵn sàng lắng nghe. Nhất là không còn dễ tổn thương và nước mắt cũng không rơi tự do như lúc trước.

Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi một quy tắc bán hàng không thể thiếu là muốn bán được hàng thì phải làm hài lòng khách hàng, đặc biệt là đối với lĩnh vực có sự cạnh tranh khốc liệt như bất động sản. Do đó, công việc bán hàng đã dạy những bài học về ứng xử, giao tiếp cho chính nhân viên bán hàng.

2. Phát triển “giác quan thứ 6”

Làm nghề này tiếp xúc được với nhiều hạng người, nhiều tầng lớp khác nhau cũng đã giúp Linh có con mắt nhìn người khác hơn. Để đánh giá một người không chỉ dựa vào bộ quần áo họ mặc, chiếc xe họ đi hay vẻ ngoài hào nhoáng. “Không phải những vị khách ăn mặc sang trọng, đi xe ô tô đắt tiền mới là khách hàng tiềm năng. Đôi khi một người quần áo bạc màu, đi chiếc xe cà tàng lại là người mua thực sự”, Linh nói.

Qua nhiều năm tích lũy và đặc thù công việc, người môi giới cần phải quan sát, phân tích kỹ những khách hàng tiềm năng của mình. Điều này đã giúp họ có con mắt nhìn người tốt hơn. “Giờ đây chỉ cần nghe giọng nói, cách khách hàng đặt câu hỏi và phong cách khách hàng mình có thể đánh giá được mức độ “tiềm năng” của khách hàng này,” Linh tâm sự.

3. Kiến thức tăng không ngừng

Còn theo Vân, nghề môi giới bất động sản đòi hỏi người làm liên tục học hỏi. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, người môi giới còn phải thật giỏi kỹ năng mềm và luôn tích hợp thêm các kiến thức liên quan như phong thủy, nhân tướng…

“Khi tư vấn cho khách không phải là cứ nói những gì mình có mà phải hiểu xem khách hàng họ muốn gì. Chỉ cần nhìn khuôn mặt, nghe vài ba câu đầu là ngay lập tức trong đầu phải phân loại được khách hàng để có cách tư vấn và chọn cho họ loại sản phẩm thật phù hợp”, Vân chia sẻ.

Thua thiệt cánh mày râu về sức vóc nhưng điểm mạnh của nữ giới là khả năng đọc tâm lý khách hàng tốt hơn, cách nói chuyện nhẹ nhàng cũng dễ tạo thiện cảm hơn rất nhiều.

“Nếu có 2 vợ chồng cùng đến tư vấn thì dĩ nhiên bạn sẽ phải tập trung vào người vợ nhiều hơn, vừa giảm “rủi ro” vừa tạo thiện cảm với người vợ. Vì suy cho cùng quyết định mua nhà là của chồng nhưng túi tiền thì luôn là người vợ giữ”, Vân chia sẻ.

4. May mắn bất ngờ

Hoa hồng cao, thu nhập khủng là niềm mơ ước đối với bất cứ môi giới bất động sản nào, nhưng hạnh phúc thực sự lại không đến từ điều này. “Hạnh phúc nhất là khi mình trao đi một sản phẩm mà được khách hàng trân trọng, qua đó xây dựng được mối quan hệ lâu dài”, Linh nói.

Có lần khách quyết định mua căn hộ, nhưng sau khi trò chuyện Linh thấy có một số điểm không hợp với phong thủy tuổi tác của họ nên giải thích. Sau khi nghe tư vấn, vị khách đó quyết định không mua nữa. Vài ngày sau, người này dẫn một nhóm bạn của mình đến nhờ Linh tư vấn. Nhờ đó Linh đã bán được ba căn và có thêm những khách hàng tin tưởng. Với Linh, đó là cảm giác tuyệt vời nhất.